MỤN TRỨNG CÁ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Mụn trứng cá

1. Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một rối loạn phổ biến, mạn tính, liên quan đến tình trạng viêm của các đơn vị nang lông tuyến bã, có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó điều trị. Sinh bệnh học mụn trứng cá bắt nguồn từ bốn yếu tố chính: tăng sản tuyến bã nhờn, sừng hoá nang lông bất thường, vi khuẩn  Cutibacterium acnes ( tên cũ là Propionibacterium acnes ) và viêm. Thương tổn cơ bản là vi nhân mụn, có thể tiến triển thành cồi mụn không viêm ( mở hoặc đóng ) hoặc viêm và hình thành sẩn, mụn mủ hoặc nốt ( Hình 1-1 và Hình 1-2 ).

Hầu hết thiếu niên ( 80% ) bị mụn trứng cá, một số trường hợp có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thương tổn mụn trứng cá có thể xuất hiện từ khoảng 8 đến 10 tuổi, vào thời điểm sớm trưởng thành giới tính, lúc mà androgen của tuyến thượng thận bắt đầu kích thích các đơn vị nang lông tuyến bã phát triển. Các trường hợp nặng thường gặp ở nam nhiều gấp 10 lần so với nữ, và bệnh nhân thường có tiền sử gia đình bị trứng cá bọc nặng ( Hình 1-3 ).

Mụn trứng cá viêm có thể gây ra sẹo và thay đổi sắc tố. Điều trị sớm là cần thiết để ngăn ngừa và giảm sự mất thẩm mỹ do sẹo mụn. Trong mọi trường hợp, điều trị đúng, đủ sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và có thể ức chế bệnh hoàn toàn.

 

2. Biểu hiện lâm sàng

Mụn trứng cá ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngay cả mụn trứng cá nhẹ trên lâm sàng cũng có thể gây ra mặc cảm tâm lý xã hội cho bệnh nhân. Cũng như đối với tất cả các bệnh lý và rối loạn tâm lý khác, nhận thức của người bệnh về mức độ nghiêm trọng của vấn đề là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn điều trị

a. Thương tổn không viêm. Các thương tổn ban đầu là cồi mụn đóng, biểu hiện là các sẩn trắng từ 1 đến 2 mm ( mụn đầu trắng ) dễ thấy nhất khi kéo căng da. Nếu các thành phần trong nang lông trồi lên, sẽ thấy được cồi mụn mở 2-5mm, đỉnh màu xám ( mụn đầu đen ).

b. Thương tổn viêm. Có thể thấy sẩn hồng ban, mụn mủ, nang và áp-xe. Bệnh nhân bị mụn bọc cũng có xu hướng xuất hiện các cồi mụn đa nang, xuất phát từ tình trạng viêm trước đó khi mà sự hình thành sẹo biểu mô gây ra các liên kết đường dò giữa các đơn vị bã nhờn lân cận.

Các thương tổn mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện ở mặt, nhưng cũng có thể gặp ở cổ, ngực, vai và lưng. Trên cùng một bệnh nhân, thương tổn có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều vùng khác nhau, và một khi đã xuất hiện ở một vị trí nào đó thì nó có xu hướng tồn tại dai dẳng.

3. Nguyên nhân

Có bốn yếu tố chính được xem là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá:

Sản xuất dầu dư thừa, làm tắc nghẽn nang lông

Nang lông bị tắc bởi tế bào da chết và dầu

Vi khuẩn gây viêm nhiễm tổn thương trên da

Hoạt động quá mức của hormone androgen, tăng tiết chất nhờn hơn so với nhu cầu của da.

Ngoài ra, một nguyên nhân gây mụn trứng cá khác do di truyền. Nếu cha mẹ bị mụn trứng cá, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc cao hơn những người cùng trang lứa trong lứa tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có nhiều khả năng bị mụn trứng cá trong tuổi trưởng thành hơn nam giới. Giả thiết giải thích cho điều này là do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ có vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời. Những mốc thời gian này bao gồm:

Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt

Trong thời gian mang thai, thường là trong 3 tháng đầu của thai kỳ

Mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang - một tình trạng phổ biến có thể gây ra mụn trứng cá ở người nữ trong tuổi trưởng thành, kèm với đó là tăng cân và hình thành các nang nhỏ bên trong buồng trứng làm chậm mang thai.

4. Các yếu tố ảnh hưởng

Những yếu tố sau đây được cho là có thể kích hoạt bệnh trứng cá cấp hoặc làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá đang có:

Hormone. Androgens là hormone tăng trưởng ở bé trai và bé gái trong giai đoạn dậy thì khiến tuyến bã nhờn to ra và tạo ra nhiều bã nhờn hơn. Đồng thời, những thay đổi nội tiết tố liên quan đến mang thai và sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất bã nhờn.

Một số loại thuốc. Ví dụ các loại thuốc có chứa corticosteroid, testosterone hoặc lithium.

Chế độ ăn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số yếu tố trong chế độ ăn uống, bao gồm sữa tách béo và thực phẩm giàu carbohydrate - như bánh mì, bánh mì tròn và khoai tây chiên - có thể làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Lo âu. Những căng thẳng, lo lắng có thể làm cho tình trạng mụn trứng cá xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn.

Vệ sinh kém. Mụn trứng cá không phải do da bẩn. Tuy nhiên, một làn da bẩn là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển và gây bệnh.

Tổn thương da. Nếu chà sát da quá mạnh hoặc làm sạch bằng xà phòng có tính tẩy cao, các hóa chất gây kích ứng da thì có thể làm cho mụn trứng cá tồi tệ hơn.

Mỹ phẩm. Mỹ phẩm không có bằng chứng làm nặng thêm mụn trứng cá, đặc biệt là nếu bạn sử dụng trang điểm không chứa dầu. Tuy nhiên, nếu các hạt phấn làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây dị ứng, tẩy trang không sạch lại là một yếu tố thúc đẩy hình thành mụn trứng cá.

Bí da. Thường xuyên mặc quần áo bó sát, chật chội sẽ khiến các lỗ chân lông bị ứ bí, dễ hình thành mụn.

Hút thuốc. Khói thuốc hay các hóa chất nhiễm phải khi hút thuốc có thể góp phần gây ra mụn trứng cá ở người lớn tuổi hay làm làn da trở nên xấu hơn.

5. Điều trị mụn trứng cá theo mức độ

a. Tình trạng nhẹ: mụn đầu đen, đầu trắng, vài sẩn mụn mủ  10 thương tổn

Điều trị bằng các loại thuốc thoa tại chỗ thường chứa các hoạt chất sau:

Benzoyl peroxide: diệt khuẩn và đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới, làm chậm sự tiết bã nhờn trên da.

Salicylic Acid: tác dụng tiêu nhân mụn, kháng viêm

Retinoids: tăng tốc độ chu chuyển của tế bào thượng bì và làm giảm sự kết dính giữa các tế bào, do đó ức chế sự hình thành nhân mụn mới, đồng thời làm nhân mụn hiện có bị nới lỏng và đẩy ra ngoài

Acid Azelaic: kháng khuẩn, kháng viêm, tiêu nhân mụn

b. Tình trạng trung bình đến nặng: nhiều sẩn mụn mủ ( > 10 thương tổn ), sẩn mụn mủ, cục, nang, sẹo

Ở tình trạng mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc trị mụn kết hợp kèm kháng sinh uống hoặc kháng sinh bôi.

Kháng sinh đường uống

Thường được kê toa từ khoảng 1 tháng đến 6 tháng. Mục tiêu của loại thuốc này là giảm sự phát triển của vi khuẩn P.acnes – một trong những loại vi khuẩn kí sinh trên da gây mụn.

Các loại thuốc thoa phối hợp như: BPO-Retinoids (Epiduo), BPO – kháng sinh, Retinoids-kháng sinh.

Isotretinoin

Đây là một loại retinoids đường uống, thường được sử dụng khi mụn trứng cá không đáp ứng với các phương pháp khác

Một số tác dụng phụ khi sử dụng isotretinoin:

Da mặt khô, môi khô.

Chảy máu cam.

Thay đổi tâm trạng bất thường.

Isotretinoin có thể gây quái thai, cần ngừa thai trong thời gian sử dụng thuốc và 1 tháng sau khi ngừng điều trị

c. Điều trị bổ sung

Lấy nhân mụn: loại bỏ nhẹ nhàng các nhân mụn bằng cách ấn lên các thương tổn bằng dụng cụ lấy mụn không chỉ giúp bệnh nhân giảm các thương tổn xấu mà còn có thể ngăn ngừa tổn thương viêm nặng nề hơn.

Liệu pháp ánh sáng xanh

Là liệu pháp phối hợp, thúc đẩy sản xuất quá mức porphyrin có độc tính với P.acnes giúp tiêu diệt P.acnes.

Ánh sáng phổ rộng (IPL)

Giúp hoạt hoá Porphyrin để tiêu diệt P.acnes và giảm sản xuất bã nhờn, giảm thâm mụn.