MỤN CÁM Ở CẰM ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN

ĐỊNH NGHĨA

Mụn cám ở cằm là những nốt nhỏ li ti, xuất hiện khi lỗ chân lông tắc nghẽn hoặc do bã nhờn tích tụ tế bào da chết và vi khuẩn ở vùng cằm.

NGUYÊN NHÂN

Tăng tiết bã nhờn: Khi các tuyến bã nhờn hoạt động nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn cám.

Gen di truyền: cũng có tác động đến việc tăng tiết bã nhờn và hình thành mụn.

Vệ sinh da chưa đúng: khi không được tẩy trang sạch sẽ, loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn trên da sẽ gây bít tắc lỗ chân lông. Ngược lại, vệ sinh da quá nhiều lần thì lớp dầu tự nhiên trên da mất đi, khiến tuyến dầu phải tăng cường hoạt động và tiết ra nhiều dầu hơn để dưỡng ẩm cho da. Lượng dầu dư thừa và bụi bẩn sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây bùng phát mụn cám.

Nội tiết tố thay đổi: ở tuổi dậy thì, đến chu kỳ kinh nguyệt, dùng thuốc ngừa thai, thuốc điều hòa kinh nguyệt,… hoặc người bị rối loạn chức năng tuyến nội tiết.

Không tẩy tế bào chết: các tế bào da chết tích tụ trên bề mặt da sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi chúng ta già đi, khả năng loại bỏ tế bào da chết khỏi bề mặt da chậm lại, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ và hình thành mụn.

Chế độ sinh hoạt không hợp lý: stress kéo dài, thức khuya, thiếu ngủ… có thể dẫn đến thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ nổi mụn.

Lạm dụng nhiều loại mỹ phẩm: một số sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm là nguyên nhân gây tắc nghẽn lỗ chân lông, làm mụn cám hình thành.

Tác nhân môi trường: ánh nắng và khói bụi là tác nhân chính khiến làn da xuống cấp nhanh chóng. Ngoài ra, bề mặt các vật dụng cá nhân như khẩu trang, chăn màn, quần áo cũng chứa một lượng lớn vi khuẩn, có thể gây mụn trên da.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Mụn cám ở cằm xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc, là những nốt nhỏ li ti khiến da thô ráp, sần sùi. Nhân mụn thường có màu vàng hoặc trắng đục, nốt mụn không sưng hay đau nhức.

ĐIỀU TRỊ

Chăm sóc da tại nhà: lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt, kem dưỡng có chứa các thành phần như benzoyl peroxide, axit salicylic và axit alpha-hydroxy.

Thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và retinol, tretinoin, BHA ở nồng độ cao, thường được sử dụng cho những trường hợp mụn cám nặng hơn hoặc diễn tiến thành mụn viêm.

Peel da (tái tạo da bằng hóa chất): Giúp điều trị mụn cám hiệu quả bằng cách làm thông thoáng lỗ chân lông và loại bỏ tế bào da chết gây mụn. Các loại peel da nông có thể được sử dụng tại nhà để điều trị mụn cám, trong khi đó peel da trung bình và peel da sâu thường được thực hiện ở bệnh viện hoặc phòng khám.

Microdermabrasion (mài da vi điểm): Lấy đi tế bào chết, tái tạo bề mặt da để lấy lại nét tươi trẻ và giúp cho làn da hấp thụ tốt hơn những dưỡng chất trong sản phẩm chăm sóc da, giảm bít tắc lỗ chân lông nên cực hiệu quả trong quá trình điều trị mụn và làm thu nhỏ lỗ chân lông.

Tiêm HA (hyaluronic axit): có tác dụng cung cấp đủ độ ẩm cho da giúp hạn chế tăng tiết bã nhờn.

PHÒNG NGỪA

Vệ sinh da sạch: lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp để loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn trên da. Có thể tìm những sản phẩm có chứa các thành phần sau: axit salicylic, axit glycolic và benzoyl peroxide.

Chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý:

· Bổ sung rau xanh, uống đủ nước mỗi ngày.

· Hạn chế ăn đồ ngọt, chiên rán, nhiều tinh bột và các loại trái cây có lượng đường cao như vải, xoài, sầu riêng, nhãn…

· Hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc.

· Hạn chế sử dụng chất kích thích như thức uống có cồn hay thuốc lá.

· Có thể xông hơi giúp giãn nở lỗ chân lông, dễ dàng loại bỏ bụi bẩn và tế bào chết.

Sử dụng kem chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ không gây mụn, và tẩy trang hàng ngày.

Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sinh hoạt ở môi trường sạch sẽ, thoáng mát: ánh nắng mặt trời, môi trường nhiều khói bụi cũng là nguyên nhân khiến da tăng tiết bã nhờn và dễ bít tắc lỗ chân lông.