Cách chăm sóc tóc đúng cách
Chăm sóc tóc đang ngày càng được quan tâm hơn trong xã hội hiện đại ngày nay. Việc lạm dụng các loại thuốc nhuộm tóc hay tạo kiểu và sự thay đổi không tốt từ môi trường khiến cho các tình trạng về mái tóc như xơ rối, gãy rụng, chẻ ngọn hay bết dính dầu… ngày càng phổ biến, làm ảnh hưởng tới khuôn mặt và tổng thể ngoại hình của bạn.
Nếu theo quan niệm xưa kia, tóc đẹp nhất định phải là mái tóc đen nhánh như gỗ mun thì ngày nay bạn có thể thỏa sức nhuộm các màu tóc mà mình yêu thích như hồng, nâu, đỏ, tím… để tự tin khoe cá tính của mình. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo được các yếu tố như tóc có độ dày nhất định, từng sợi tóc chắc khỏe, bóng mượt và quan trọng nhất là tóc không bị khô xơ, chẻ ngọn, gãy rụng nhiều…
Sở hữu mái tóc đẹp góp phần tăng xinh đẹp của mọi cô nàng, hãy thử tưởng tượng bạn có mái tóc dài suôn mượt bay trong gió, bồng bềnh như làn mây trông sẽ cực ấn tượng và cuốn hút.
I. Lợi ích của việc chăm sóc tóc đúng cách
1. Giúp tóc luôn chắc khỏe và suôn mượt
Chăm sóc và quan tâm mái tóc thường xuyên cũng giống như chăm sóc làn da của bạn vậy. Bạn càng chăm sóc nhiều bao nhiêu, mái tóc sẽ càng óng ả và suôn mượt.
Trước tốc độ lão hóa tự nhiên của cơ thể cùng một số yếu tố tác động bên ngoài như bụi bẩn, nắng gió và ánh mặt trời sẽ làm cho mái tóc của bạn bị xơ rối và bết dính. Việc áp dụng các phương pháp phục hồi và bổ sung dưỡng chất sẽ giúp trẻ hóa mái tóc và duy trì được mái tóc bóng khỏe dài lâu.
2. Phục hồi hư tổn, cải thiện sâu cho mái tóc
Ngày nay khi mà các loại hóa chất tạo kiểu tóc ngày càng được ưa chuộng thì vấn đề phục hồi hư tổn cũng được ưu tiên song song. Lí do là vì những loại hóa chất này có tác động rất xấu lên tóc của bạn, chúng làm tóc bạn hư tổn và dễ gãy rụng. Nếu biết chăm sóc tóc đúng cách, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa được hư tổn lan rộng cũng như phục hồi và bảo vệ mái tóc của mình.
3. Giảm nguy cơ xuất hiện gàu
Việc mái tóc có quá nhiều gàu sẽ gây mất thẩm mỹ và phiền hà trong cuộc sống của bạn. Không chỉ thế mà gàu còn làm tăng nguy cơ rụng tóc và có thể dẫn tới hói đầu. Dù không thể giải quyết được căn nguyên gây ra gàu nhưng các phương pháp của chăm sóc tóc như lựa chọn dầu gội đầu phù hợp, tẩy da chết cho da đầu... cũng sẽ góp phần kiểm soát được tình trạng này, giúp bạn thoải mái và tự tin hơn mỗi khi bước ra đường.
4. Ngăn ngừa rụng tóc, thúc đẩy tóc mọc nhanh hơn
Lo lắng mỗi khi rụng tóc quá nhiều và tóc mọc chậm là tình trạng chung của rất nhiều người không chỉ bởi mất thẩm mỹ mà còn liên quan tới các yếu tố về bệnh lý. Nguyên nhân chủ yếu của rụng tóc là do tổn thương tế bào mầm nằm sâu trong nang tóc. Chăm chút mái tóc cẩn thận sẽ giúp bảo vệ mầm tóc hiệu quả, ngăn ngừa rụng tóc và giúp tóc phát triển, mọc nhanh hơn.
5. Bảo vệ da đầu
Da đầu khỏe cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tóc phát triển và ngăn tóc rụng. Chính vì vậy, việc gội đầu sạch sẽ bằng dầu gội đầu phù hợp hay đội mũ mỗi khi ra ngoài cũng giúp mái tóc của bạn đẹp hơn mỗi ngày. Ngoài ra, các tình trạng khó chịu trên da đầu như ngứa ngáy, bong tróc, viêm nhiễm cũng được giảm thiểu một cách đáng kể.
6. Tự tin tạo kiểu tóc theo ý muốn
Một mái tóc được chăm sóc đúng cách không chỉ giữ nếp lâu, lên màu chuẩn xác mà còn trông vô cùng khỏe khoắn và tự nhiên dù cho đã tạo kiểu. Còn nếu mái tóc khô xơ thì dù cho có tạo kiểu đẹp đến mấy trông cũng vô cùng thiếu sức sống và kém thẩm mỹ.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng hóa chất tạo kiểu tóc quá nhiều vì tốc độ gây hư tổn do nó gây ra sẽ nhanh hơn tốc độ bạn chăm sóc để phục hồi. Hãy kết hợp chăm sóc tóc bạn thật kĩ sau khi tạo kiểu để luôn duy trì được mái tóc suôn mượt và chắc khỏe.
II. Nguyên nhân khiến tóc mọc chậm, hư tổn
Không phải ai cũng biết cách chăm sóc tóc để có mái tóc dày mượt mà như ý. Mái tóc khô xơ, dễ gãy rụng do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến:
Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản sinh ra một số chất gây tổn thương tế bào tóc, khiến tóc phát triển chậm và dễ rụng. Khi stress kéo dài khiến sợi tóc cũ đến chu kỳ bị rụng đi, thậm chí là rụng sớm hơn chu kỳ. Nhưng sợi tóc mới không kịp mọc, mọc chậm khiến mái tóc dần thưa, thậm chí nguy cơ hói đầu rất cao.
Sợi tóc mới mọc ra thường bị mảnh, yếu không đủ độ nặng để nằm xuôi theo mái tóc. Tình trạng này khiến trên đầu luôn có những sợi tóc ngắn, mọc thẳng lên, lởm chởm. Chính vì thế, stress kéo dài được coi là sát thủ thầm lặng khiến tóc bị rụng, hói đầu...
Lão hoá: Những người tuổi cao thường bị rụng tóc nhiều hơn và tóc mọc lâu hơn so với những người trẻ tuổi. Đây là do nang tóc cũng bị thoái hóa theo tuổi tác, vòng sinh trưởng của tóc diễn ra chậm hơn. Hơn nữa, khi lớn tuổi, nội tiết tố thay đổi cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tóc.
Thiếu dưỡng chất: Chế độ ăn hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mái tóc. Nếu chế độ ăn không cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho tóc sẽ khiến tóc phát triển chậm hơn. Đặc biệt là khi các chất như kẽm, protein, omega - 3, biotin, vitamin A, vitamin C… bị thiếu hụt sẽ khiến cho tế bào yếu, sợi tóc mới mọc lên sẽ mảnh và khô xơ, dễ gãy rụng hơn.
Rụng tóc sau sanh: Rụng tóc sau sinh là hiện tượng khá phổ biến, có tới 30 - 40% chị em gặp tình trạng này.
Rụng tóc nhiều ở phụ nữ chủ yếu liên quan tới sự thay đổi nội tiết tố. Theo chu kỳ bình thường thì vài năm sợi tóc cũ bị rụng và thay thế bằng sợi tóc mới. Và việc thay tóc được tiến hành theo giai đoạn và lần lượt nên số lượng sợi tóc thường không thay đổi.
Nhưng tốc độ thay tóc ở phụ nữ có liên quan đến lượng estrogen trong cơ thể. Khi lượng estrogen cao hơn mức bình thường, tốc độ thay tóc sẽ chậm lại mái tóc dày hơn. Ngược lại, khi lượng estrogen thấp thì tốc độ thay tóc sẽ tăng nhanh, tóc sẽ rụng nhiều dẫn đến tóc thưa.
Ở phụ nữ mang thai lượng estrogen tiết ra nhiều hơn, tuổi thọ của tóc được kéo dài, tốc độ rụng giảm. Sau khi sinh con, hàm lượng estrogen bắt đầu giảm dần và tóc rụng rất nhiều.
Ngoài ra, sau sinh nhiều phụ nữ có những thay đổi tâm sinh lý. Cùng với áp lực từ việc nuôi con, gia đình, công việc,... gây stress kéo dài cũng là thủ phạm khiến mái tóc bị tổn thương và gây rụng tóc nhiều.
Lạm dụng hóa chất: Khi lạm dụng quá nhiều hóa chất như dầu gội đầu, thuốc uốn/nhuộm/duỗi tóc... sẽ khiến tóc bị khô xơ, dễ bị gãy rụng. Trong quá trình làm tóc thường phải sử dụng nhiệt độ cao cũng gây tổn thương cho tóc, khiến tóc khô giòn, dễ gãy rụng và lâu mọc dài hơn...
Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân bị rụng tóc, hói đầu thì bản thân sẽ có nguy cơ rụng tóc hói đầu và tóc mọc chậm cao hơn.
III. Cách chăm sóc tóc giúp tóc nhanh dài, bóng mượt
Trừ nguyên nhân gây rụng tóc do di truyền, bệnh lý... thì các nguyên nhân khác có thể khắc phục được bằng cách chăm sóc tóc và thay đổi lối sống. Chỉ cần những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày sẽ giúp tóc mọc nhanh dài, dày, bóng mượt hơn.
Bổ sung đủ nước: Như chúng ta đã biết, nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống. Khi cơ thể đủ nước sẽ giúp quá trình chuyển hóa và vận chuyển các chất dinh dưỡng đến tế bào trong cơ thể tốt hơn. Từ đó các tế bào được cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ mạnh khỏe hơn, trong đó có tế bào tóc. Để giúp mái tóc mọc nhanh dài và dày, mượt thì không nên quên cung cấp độ ẩm cho tóc bằng bổ sung đủ nước đầy đủ mỗi ngày từ 2 - 2,5l nước.
Chế độ ăn: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày là rất cần thiết đối với sức khỏe nói chung và sức khỏe mái tóc nói riêng. Khi đủ dinh dưỡng, mái tóc sẽ mọc nhanh dài, khỏe mạnh, bóng và mềm mượt.
Trong đó chú ý bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin, biotin, protein, omega - 3, sắt, magie, kẽm… Các chất này có trong các loại rau củ quả tươi; các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt bí ngô; cá hồi, hải sản.
Chăm sóc tóc: Chăm sóc tóc đúng cách cực kỳ quan trọng để có một mái tóc khỏe đẹp. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định tóc có mọc nhanh dài giảm gãy rụng không. Trong đó, cần chú ý đến các điểm sau:
- Mỗi tuần gội đầu 2 - 3 lần, gội đầu với nước mát, không gội bằng nước nóng có thể khiến tóc khô xơ và dễ hư tổn. Sử dụng dầu gội đầu nhiều dưỡng chất, không có chất tẩy, không hương liệu. Lựa chọn loại dầu gội đầu phù hợp với da đầu và có hoạt chất dịu nhẹ. Nên lựa chọn sản phẩm dầu gội có nguồn gốc tự nhiên để làm sạch và chăm sóc tóc.
Trong khi gội chỉ nên dùng đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng, không dùng móng tay để cào gãi. Mỗi lần gội nên dùng dầu xả giúp mềm tóc. Mỗi tuần nên dùng dầu ủ (hoặc chế mặt nạ ủ tóc bằng nguyên liệu tự nhiên từ quả bơ, trứng gà, mật ong, dầu dừa, dầu oliu...) 1 lần để cung cấp dưỡng chất cho tóc.
- Sử dụng khăn mềm để thấm khô tóc, không nên vò xát mạnh dẫn đến tóc bị tổn thương. Khi sấy tóc nên dùng chế độ quạt gió mát, tránh dùng nhiệt độ cao để sấy khô tóc.
- Khi ra ngoài trời, cần bảo vệ tóc bằng mũ, nón. Không để tóc tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời, khói bụi, gió mạnh…
- Hạn chế sử dụng hóa chất làm tóc và các dụng cụ ép tóc, làm xoăn…
IV. Một số bước đơn giản chăm sóc tóc đúng cách ngay tại nhà
Bước 1: Chải tóc nhẹ nhàng bằng lược thưa và massage da đầu.
Khi chải tóc hãy chải thật nhẹ bằng lược thưa vừa giúp gỡ rối vừa giảm thiểu lượng tóc rụng. Sau đó, hãy dùng các ngón tay xoa đều, massage khắp da đầu để thư giãn và tăng khả năng hấp thụ các dưỡng chất ở các bước tiếp theo.
Bước 2: Tẩy tế bào chết.
Tẩy tế bào chết là bước đặc biệt quan trọng cho người nhiều gàu, da đầu khô và tóc dầu. Bụi bẩn, dầu nhờn, vảy gàu hay tàn dư của hóa chất tạo kiểu tóc bưng bít lâu ngày tại chân tóc không chỉ khiến bạn ngứa ngáy khó chịu mà càng làm tóc suy yếu. Tẩy tế bào chết sẽ giúp loại bỏ chúng, giúp da đầu sạch sẽ và thông thoáng. Tuy nhiên, chỉ nên tẩy da chết vài lần mỗi tuần, không nên tẩy da chết mỗi ngày vì có thể làm tổn thương da đầu và chân tóc.
Bạn có thể tẩy da chết bằng các nguyên liệu tự nhiên như muối, mật ong, nước chanh, dầu ô liu... hay các loại sản phẩm tẩy da chết sẵn có trên thị trường để da đầu luôn được khỏe mạnh và sạch sẽ.
Bước 3: Gội đầu thật kỹ.
Bạn nên lựa chọn cho mình một loại dầu gội đầu phù hợp nhất và gội đầu thật sạch. Có thể kết hợp massage và gãi nhẹ trong quá trình gội để loại bỏ mảng bám gàu và lưu thông tuần máu máu, kích thích tóc mọc nhanh hơn, tránh gãi mạnh vì có thể làm xước da đầu. Đây là bước làm sạch và cơ bản nhất, không thể thiếu trong bất kỳ chu trình chăm sóc tóc nào. Tuy nhiên, không nên gội đầu quá nhiều mà chỉ nên đảm bảo khoảng 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Bước 4: Sử dụng dầu xả dưỡng ẩm cho tóc.
Dầu xả không chỉ giúp dưỡng ẩm cho tóc của bạn mà còn giúp phục hồi lớp biểu bì - phần ngoài cùng của tóc, từ đó bảo vệ các cấu trúc bên trong của tóc khỏi các tác nhân độc hại từ bên ngoài.
Bạn nên lựa chọn cho mình lại dầu xả phù hợp nhất và không nên xoa dầu xả sát chân tóc vì có thể khiến da đầu bạn bị bết và nhiều gàu hơn, chỉ nên xoa từ ngọn đến phần cách da đầu khoảng một đốt ngón tay. Hãy ủ tóc với dầu xả trong khoảng 5 đến 7 phút để dưỡng chất được thẩm thấu sâu hơn, phát huy công dụng hiệu quả của bước xả tóc.
Bước 5: Để tóc khô tự nhiên.
Nếu không quá gấp gáp và vội vàng, hãy để tóc của bạn được khô tự nhiên, vì khi dùng máy sấy sẽ làm tóc bạn bị dễ bị khô và xơ rối.
Bước 6: Bổ sung thêm dầu dưỡng hoặc serum chuyên sâu cho tóc.
Bước 7: Bảo vệ tóc cẩn thận trước những yếu tố gây hại từ môi trường.
IV. Một số tips cho mái tóc của bạn luôn khỏe đẹp và bóng mượt
Tuân thủ những gợi ý dưới đây để có mái tóc đẹp:
Hiểu rõ loại tóc của mình để lựa chọn các sản phẩm như dầu gội, dầu xả và dưỡng tóc cho phù hợp.
Không nên gội đầu quá nhiều mà chỉ gội khi cần thiết, khoảng 3 lần một tuần.
Không nên gội đầu bằng nước nóng.
Dùng lược thưa để chải tóc.
Không nên dùng máy sấy tóc có công suất lớn.
Hạn chế chạm và vuốt tóc nhiều lần.
Sau khi bơi nên xả sạch Clo trên tóc.
Thường xuyên cắt tỉa phần ngọn tóc.
Hạn chế nhuộm tóc và sử dụng các dụng cụ tạo kiểu có nhiệt độ cao.
Không nên buộc tóc quá chặt.
Bảo vệ tóc trước ánh mặt trời.
Dưỡng tóc đầy đủ bằng các nguyên liệu thiên nhiên và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho tóc.
Để tóc được thoải mái khi ngủ.